Thứ Sáu, 12 tháng 2, 2016

Hikikomori - Kẻ "Rút Lui Khỏi Xã Hội"

Hikikomori có nghĩa là rút lui, bắt đầu từ Nhật Bản và đang lan rộng khắp thế giới, đặc biệt ở những nước phát triển, nơi mà giới trẻ phải chịu quá nhiều sức ép, đã tự cách ly với cuộc sống bên ngoài.

"Hikikomori - kẻ rút lui khỏi xã hội" hay còn được gọi là "thế hệ lạc lối", "những thanh niên vô hình" là cuộc khủng hoảng xã hội và sức khỏe đối với Nhật Bản - đây là hội chứng tâm lý nguy hiểm đang lan tràn khắp nước Nhật, người ta dự đoán có trên 1 triệu người Nhật Bản hiện nay đang mắc phải căn bệnh này, con số thực tế có thể cao hơn do các cá nhân thường sống khép kín nên rất khó phát hiện.
Hikikomori” là những người không tham gia vào các hoạt động xã hội, chủ yếu là lao động và học tập, đồng thời cũng không có bất kỳ mối quan hệ nào khác ngoài những người thân trong gia đình. Từ hikikoromi có nguồn gốc từ Nhật Bản, dùng để chỉ những thanh niên sống cuộc sống ẩn dật, xa lánh đời sống xung quanh, họ chọn cách từ bỏ thế giới thực và không giao tiếp với bất kỳ ai. Triệu chứng của họ kéo dài trong nhiều tháng hoặc thậm chí hàng năm trời. “Một khi quẩn quanh với bốn bức tường, bạn đã đánh mất thực tại. Dù biết đang làm những việc thật bất thường nhưng họ không muốn thay đổi. Họ cảm thấy an toàn khi được ở đây”
Hikimori là một hiện tượng xã hội. Ban đầu, đối tượng tự cắt đứt mối quan hệ với bạn bè và trường học, sau đó thu hút sự quan tâm của gia đình, trước hết là người mẹ. Cuối cùng, trong giai đoạn thứ ba, hikimori chấm dứt quan hệ với gia đình và tập trung sự hung hãm vào chính mình. Trong căn phòng, hikimori không làm gì cả ngoại trừ việc lên Internet vào buổi tối và ngủ suốt ngày. Chìm ngập trong thế giới ảo tưởng của chính họ, hikimori hoàn toàn cách ly với cộng đồng. Hikimori dễ dàng ẩn mình vào "ổ kén" suốt nhiều năm ròng, mất dần mối quan hệ giữa những người láng giềng và giữa các thành viên trong gia đình. Trong trường hợp nổi giận, hikimori thường đổ cơn thịnh nộ lên đầu những người thân thiết nhất.
Đối tượng thường hay mắc phải căn bệnh này thường thuộc lứa tuổi thanh thiếu niên, thường là những người thông minh, có năng lực. Họ chủ yếu là những sinh viên mới ra trường, nhưng lại chỉ giam mình trong phòng đọc truyện, xem phim và lướt web liên tục nhiều năm trời.
Đây là căn bệnh thường gặp ở các gia đình trung lưu chứ không phải những gia đình có hoàn cảnh sống nghèo khó. Các gia đình trung lưu tiềm ẩn nguy cơ cao xuất hiện hội chứng này. Nguyên nhân khiến nhiều người mắc căn bệnh như vậy là bởi cha mẹ thường có thói quen bảo vệ con cái thái quá chứ không để con được độc lập như các cha mẹ phương Tây, việc quá bao bọc này sẽ làm họ cảm thấy rất khó khăn để có thể tự lập, đồng thời con cái của họ cũng chịu nhiều sức ép từ trường học, bị ảnh hưởng bởi truyền hình, Internet, trò chơi...
Không chỉ vậy, khi trưởng thành những người đàn ông nói chung còn thường xuyên phải chịu những áp lực không nhỏ như việc phải đạt được thành công, được vào học ở những trường tốt, kiếm được công việc tốt ...vv... Một trong các nguyên nhân khiến căn bệnh “hikikomori” trở nên phổ biến là bởi họ thường phải mang trên vai vô số gánh nặng và áp lực, dẫn đến stress. Loay hoay trong áp lực thể hiện mình tại trường lớp hay sự nghiệp, họ chọn cách rời xa thế giới thực để đối phó với thất bại của mình. Họ hành động như vậy vì không còn đủ sức đối phó với áp lực phải thành công để làm rạng danh gia đình và cả xã hội.
Hầu hết Hikikomori “ẩn cư” trong 6 tháng đến 1 năm, nhưng một số trường hợp có thể lên tới 15 năm hoặc hơn nữa. Điều đáng lo ngại hầu hết họ đều còn trẻ - thời điểm lẽ ra đang có những đóng góp nhiều nhất cho xã hội. Độ tuổi trung bình khi họ bắt đầu biểu lộ hiện tượng rút lui là 15. Có những trường hợp mắc “hikikomori” rất nghiêm trọng, đó là một người đàn ông 50 tuổi và đã xa lánh xã hội trong hơn 30 năm qua. Theo ước tính có tới 80% Hikikomori là nam, một số thậm chí mới 13-14 tuổi.
Những nước Á Đông thường có hệ thống giáo dục tạo ra sức ép rất lớn cho giới trẻ. Kết quả là có không ít người tìm cách xa rời bạn bè, bố mẹ và tìm đến thế giới ảo Internet, trò chơi máy tính, thậm chí còn có những hành động vi phạm pháp luật, tự tử. Đó là lý do vì sao các nước Á Đông lại có nhiều bệnh nhân Hikikomori so với phương Tây. Tại các nước phương Tây, các vấn đề của xã hội thời hậu công nghiệp cũng tạo cho nhiều người, nhất là giới trẻ những thói quen, thậm chí là căn bệnh tương tự như Hikikomori. Một số bạn trẻ ở phương Tây thậm chí bị kích động, gây ra những vụ thảm sát ở trường học như ở Đức hay ở Mỹ gần đây.
Có tới cả triệu thanh niên cho là đang sống khép kín tại căn phòng của họ, một số người "trốn" trong đó lâu tới cả thập kỷ. Câu hỏi đặt ra là vì sao lại người ta lại sống như vậy? Có phải là do "Sự tức giận với xã hội và cha mẹ, nỗi buồn vì lâm vào tình cảnh này, nỗi sợ về điều gì có thể xảy ra trong tương lai, sự ghen tị với những người đang sống cuộc sống bình thường"?
Các nghiên cứu nói rằng yếu tố tác động ban đầu có thể rất đơn giản như học kém, thất tình... Nhưng theo thời gian, các áp lực khác trong xã hội đã khiến những người đó không thể rời khỏi phòng ngủ của mình. Hikikomori càng rút lui khỏi đời sống xã hội trong thời gian dài, họ càng nhận rõ về sự thất bại của mình. Họ mất hết sự tự tin từng có và việc rời khỏi nhà trở thành cơn ác mộng.
Các bậc phụ huynh cũng biết rằng vị thế của họ trong xã hội cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu chuyện lộ ra, nên thường chờ đợi con bình thường trở lại trong hàng tháng trời, trước khi tìm kiếm sự giúp đỡ.
Áp lực thứ hai là - sự lệ thuộc. Đây cũng là yếu tố đặc biệt trong mối quan hệ gia đình ở các nước Á Đông. Con gái thường ở lại với cha mẹ cho tới khi kết hôn. Con trai có thể sẽ chẳng bao giờ dọn ra ngoài sống. Bệnh nhân Hikikomori thường sống cùng gia đình và không cần lo lắng gì về mặt tài chính. Có trường hợp cha mẹ còn mang cơm đến tận cửa phòng cho con và tự nhủ tình trạng này sẽ chấm dứt sau vài ngày.
Mặt khác, truyền thống, tâm lý của những người ở xã hội cũ là có xu hướng theo nhóm và họ không muốn bị tách ra khỏi nhóm. Nhưng lớp trẻ đang ngày càng quan tâm tới nhu cầu cá nhân và thích được chú ý hơn. Họ là những thế hệ đang ở giai đoạn chuyển tiếp.
Thứ ba là, trước đây, khi các sinh viên có điểm tốt thường vào đại học và sau khi ra trường được làm một công việc tốt trọn đời. Hệ thống đó đã đổ vỡ và nay một thế hệ trẻ sau khi ra trường phải làm các công việc ngắn hạn, bán thời gian khi kinh tế đi xuống.
Lẽ ra họ phải được cảm thông, nhưng thực tế họ bị kỳ thị. Những người hay thay đổi việc làm, những người thất nghiệp, bị xem là những kẻ ăn bám xã hội. Thế hệ già, những người đã đi học và có sự nghiệp ổn định trong những thập niên trước, hoàn toàn không thể hiểu được lớp trẻ. Số đông những người trẻ này cảm thấy cuộc đời trở nên vô nghĩa. Họ tự rút lui và biến mất giống như một hikimori thực thụ.
Internet, Máy vi tính, Play Station và đầu DVD, phim ảnh, trò chơi điện tử ...vv... chính là đồng tác giả tạo ra lối sống của hikikomori. Con người có thể liên hệ với thế giới bên ngoài và đặt đồ ăn qua mạng. Ai còn cần thế giới bên ngoài?
Triệu trứng của mỗi bệnh nhân rất khác nhau. Một số người ngoài việc sống ẩn dật còn rất hay tức giận vô cớ, những người khác thể hiện sự ám ảnh, hoang tưởng và trầm cảm...vv...Hầu hết những người này ngừng liên lạc với bạn bè và dần dần là cả cha mẹ anh chị em. Trong trường hợp sống chung để tránh gặp mọi người, họ thường ngủ vào ban ngày và thức trắng vào ban đêm. Phần lớn họ bị dày vò trong tâm trí, muốn ra ngoài với thế giới và kết bạn, nhưng lại không thể làm vậy.
Các hoạt động trong ngày của các "Hikikomori" chỉ là thức dậy, ăn uống, lướt net rồi đi ngủ, tất cả sinh hoạt thường nhật của họ chỉ gói gọn trong không gian cá nhân của họ. Hikikomori có thể coi là một "vết thương" cho nền kinh tế, khi chất xám của các thanh niên ưu tú này chỉ quanh quẩn trong 4 bức tường và màn hình máy tính. "Đa số bệnh nhân đối diện hội chứng này sau khi tốt nghiệp đại học nên hậu quả lên nền kinh tế là hết sức kinh khủng. Nhiều bệnh nhân là sinh viên các trường đại học danh tiếng. Hikikomori là bi kịch cuộc đời họ"
Đây là một hiện tượng rất đáng lo ngại, trong tương lai hội chứng này có thể phá vỡ sự cân bằng của xã hội trong mọi lĩnh vực. Nó giống như một thứ thuốc gây nghiện, những người mắc phải hội chứng này thường ảo tưởng về cuộc đời, nhất là về tình yêu trai gái, sự nghiệp; nếu còn đang ngồi trên ghế nhà trường, thì chẳng bao lâu nạn nhân cũng sẽ bỏ học, xa lánh mọi người thân trong gia đình, suốt ngày chúi mũi vào màn hình máy tính, laptop, màn hình điện thoại di động để chạy theo cái gọi là "những ảo ảnh khó cưỡng".
Chính vì suốt ngày tự nhốt mình trong phòng ngủ với nhiều ảo ảnh về cuộc đời, người yêu và bạn bè trước đây của họ cũng đã xa rời con người mà họ cho là kỳ quái này. "Họ dần sợ phải ra ngoài gặp gỡ mọi người. Cuối cùng thì chẳng thể ra khỏi nhà nữa". Họ nuôi dưỡng những ảo ảnh không có trong đời sống hằng ngày, sống với nó, trở nên mụ người ra, mặt mũi tái nhợt, thiếu ngủ, thường hay cáu gắt mỗi khi có người thân trong gia đình hỏi đến.
_______________________________________
Góc nhìn khác về Hikikoromi
Nhật Bản rất nổi tiếng với hikikomori - nói thẳng ra cho dễ hiểu là lối sống tự kỷ, mặc dù nhiều người thương hại những người hikikomori nhưng cũng theo nhiều người, thì lối sống kiểu hikikomori rất thoải mái và hấp dẫn, chính vì thế nó từng lây lan như một dịch bệnh?
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, hàng loạt cá nhân xuất chúng trong khoa học, chính trị và nghệ thuật đạt được thành công vì họ mắc chứng tự kỷ ở mức độ nào đó. Thiên tài vật lý Isaac Newton, Albert Einstein, nhà soạn nhạc Beethoven, họa sĩ, kiến trúc sư nổi tiếng Michelangelo, nhà văn George Orwell, thiên tài âm nhạc Mozart, nhà văn Hans Christian Andersen, danh họa Vincent van Gogh .. .vv... là những tài năng có một số biểu hiện của bệnh tự kỷ.
Giáo sư Fitzgerald cho rằng: “Những gene gây nên bệnh tự kỷ cũng chính là những gene làm nên thiên tài. Chúng ta chưa xác định được những gene đó, nhưng rõ ràng phải có nhiều gene mới tạo nên một tác động nhỏ”. Nhưng chúng ta không nên nghĩ tất cả người tự kỷ đều có khả năng trở thành thiên tài, bởi mỗi cá nhân đều có những tính cách và đặc điểm riêng.
Thật ra, hikikoromi liệu có phải là một “căn bệnh”, hay chỉ là một "lối sống". Nhưng chắc chắn một điều, hikikomori không dành cho người nghèo. Vì lối sống này là bạn ở lì trong phòng, sử dụng Internet để xem phim, chơi game, hay tham gia mạng xã hội …Bạn muốn sống tốt lối sống này thì bạn phải là công tử con nhà giàu hoặc bạn phải thông minh. Nếu bạn sống lối sống này và có tư chất bạn sẽ rất dễ phát triển trí não vì bạn có không gian riêng. Nếu bạn sinh ra trong nhà nghèo thì mọi người sẽ khắc nghiệt và thóa mạ bạn cả ngày và ai sẽ cho bạn sống hikikomori? Rồi bạn sẽ phải lăn lộn tìm việc sớm thôi, lấy đâu ra không gian và thời gian thực hành lối sống này đây?
Có nhiều lý do để mọi người bắt đầu hikikomori, chủ yếu là chán ngán trường học, bị bắt nạt, nhưng đa phần là những người trốn chạy xã hội, tức là những người yếu hay kẻ thua cuộc. 
Nhưng người ta tự hỏi lối sống như thế không phải tuyệt vời sao? Không phải làm gì bạn không thích, không cần quan hệ xã hội, không bị rác tai bởi bọn đạo đức giả.
Tất nhiên, nếu bạn không thành thiên tài hay học cái gì cho ra hồn, thì sau này gia đình bạn chết đi bạn sẽ khổ. Nếu bạn đơn thuần trốn chạy xã hội vì thích ứng kém thì nó sẽ là một vấn đề cực lớn. 
Ở Nhật, Mỹ hay các nước phát triển, thanh niên sống Hikikoromi rất nhiều. Và có lẽ vì thế, ở những nước này số thiên tài là vô cùng nhiều, đa phần đều ngấm ngầm thay đổi thế giới. Bill Gates cũng là một thành viên Hikikomori khi ông ấy chán ngán trường học để tập trung vào việc lập trình.
Bitcoin cũng có thể là do một Hikikomori làm ra?!
Hikikomori có nhiều mức độ. Cực đoan nhất là không ra ngoài và có người phục vụ tận phòng. Còn mức độ nhẹ hơn thì bạn vẫn ra ngoài mua đồ cần thiết. Và hikikomori thường chỉ phát triển mạnh được ở các nước giàu, vì bạn chỉ cần tiền là mua được đồ rất tiện lợi, có thể trả hóa đơn một cách đơn giản. Cả tháng bạn không cần mở miệng và không ai làm phiền bạn. Ngoài ra, Internet tốc độ cao và các sản phẩm nghe nhìn tràn ngập thị trường là những công cụ hỗ trợ đắc lực cho lối sống hikikomori.
Cần nhớ là, những người chưa từng sống kiểu hikikomori đa phần đều có trí não khá kém, khả năng giải quyết vấn đề và tư duy kém. Vì để phát triển trí não bạn cần không gian riêng không bị làm phiền. Thiên tài đa phần đều có thời gian hikikomori, nếu không nói là CẢ ĐỜI.
Hikikomori đa phần là nam giới, trẻ tuổi. Tới một lúc nào đó họ sẽ thoát ra khỏi “vỏ kén hikikomori” và ra ngoài, nhưng một phần nhỏ sẽ sống thế mãi, cho tới lúc không thể nữa (hết tiền hay tuyệt vọng dẫn đến cái chết). Và hikikomori thường xuất hiện trong gia đình cha mẹ có học vấn cao và tài chính dồi dào. Đó là một sự thật hiển nhiên!
_________________________
Cái nhìn của tôi là như thế này. Hikikomori sẽ là 1 căn bệnh nếu bạn bị rơi (mắc) vào nó khi chìm đắm trong các thú vui như một trò tiêu khiển để trốn chạy cuộc đời. Còn khi bạn có đủ khả năng tài chính, và bạn chọn hikikomori để học tập, nghiên cứu hay đơn giản làm những công việc mà bạn yêu, thì đó sẽ là sự lựa chọn của bạn, nó sẽ là lối sống, chỉ có điều bạn sẽ rơi xuống thấp hay vượt lên trên nó. Bởi tâm trí con người là luôn di chuyển hướng tới các cực đoan, và khi bạn thoát khỏi trò chơi này của tâm trí mình, rất có thể bạn đã là một người chứng ngộ.

1 nhận xét:

  1. Cái nhìn của tôi là như thế này. Hikikomori sẽ là 1 căn bệnh nếu bạn bị rơi (mắc) vào nó khi chìm đắm trong các thú vui như một trò tiêu khiển để trốn chạy cuộc đời. Còn khi bạn có đủ khả năng tài chính, và bạn chọn hikikomori để học tập, nghiên cứu hay đơn giản làm những công việc mà bạn yêu, thì đó sẽ là sự lựa chọn của bạn, nó sẽ là lối sống, chỉ có điều bạn sẽ rơi xuống thấp hay vượt lên trên nó. Bởi tâm trí con người là luôn di chuyển hướng tới các cực đoan, và khi bạn thoát khỏi trò chơi này của tâm trí mình, rất có thể bạn đã là một người chứng ngộ.

    Trả lờiXóa