Chủ Nhật, 24 tháng 1, 2016

Nền Giáo Dục Của Chúng Ta

Nếu giáo dục không có khả năng dạy bạn về cả sự sống và cái chết, nó không thể là giáo dục hoàn hảo. Nếu giáo dục không làm cho con người trở thành đàng hoàng, tự trọng, không thấp kém hay cao hơn bất cứ ai, nó không phải là giáo dục.
Và giáo dục thực sẽ phải mang ra ngoài cái ẩn dấu bên trong bạn – cái mà Thượng đế đã đặt vào trong bạn như một kho báu – để khám phá nó, để biểu lộ nó, để làm cho bạn tỏa sáng trong bóng tối. (Osho)

Giáo dục là một cây cầu giữa khả năng và thực tế. Giáo dục là để giúp bạn trở thành điều đó cái mà bạn chỉ ở trong một dạng hạt mầm. Và cái điều đang được làm trong các trường học bình thường và các cao đẳng và các đại học không là giáo dục. Nó chỉ chuẩn bị cho bạn có một công việc tốt, một việc kiếm sống tốt; nó không là giáo dục thực. Nó không cho bạn cuộc sống. Có lẽ nó có thể cho bạn một mức sống tốt hơn, nhưng mức sống tốt hơn không phải là tiêu mức tốt hơn của cuộc sống; chúng là không đồng nghĩa.

Cái gọi là giáo dục này diễn ra trên thế giới chuẩn bị cho bạn chỉ để kiếm bánh mỳ. Và Jesus nói: “Con người không thể sống bằng mỗi bánh mỳ.” Và đó là điều các đại học của bạn đã và đang làm – họ chuẩn bị cho bạn kiếm bánh mỳ theo một cách thức tốt hơn, theo một cách thức dễ dàng hơn, theo một cách thức thoải mái hơn, với ít nỗ lực hơn, với ít sự gian khổ hơn. Nhưng tất cả điều đó họ làm là để chuẩn bị cho bạn kiếm bánh mỳ và bơ của bạn. Đó là một loại giáo dục rất, rất nguyên thủy: nó không chuẩn bị bạn cho cuộc sống.

Nền giáo dục này đã thịnh hành trong quá khứ là rất không đầy đủ, không hoàn thiện, hời hợt. Nó chỉ tạo ra những người có thể kiếm sống, nhưng nó không mang lại bất cứ cái nhìn sâu sắc vào chính bản thân cuộc sống.

Giáo dục là để cho bạn sự giàu có bên trong. Nó không chỉ làm cho bạn có hiểu biết hơn; đó là một ý tưởng về giáo dục nguyên thủy. Nó là nguyên thủy bởi vì nó được bắt rễ từ nỗi sợ, được bắt rễ trong cái mà “Nếu tôi không được giáo dục tốt, tôi sẽ không có khả năng sống sót.” Nó là nguyên thủy bởi vì sâu xuống dưới nó là rất bạo lực: nó dạy bạn cạnh tranh, nó làm cho bạn tham vọng. Nó không là gì mà là việc chuẩn bị cho một kẻ giết người, thế giới cạnh tranh nơi mọi người đều là kẻ thù của mọi người khác.

Nền giáo dục thực sự sẽ không dạy bạn cạnh tranh; nó sẽ dạy bạn hợp tác. Nó sẽ không dạy bạn tranh đấu và đi tới thứ nhất. Nó sẽ dạy bạn sáng tạo, đáng yêu, phúc lạc, không có bất kì so sánh nào với người khác. Nó sẽ không dạy bạn rằng bạn chỉ có thể hạnh phúc khi bạn là người thứ nhất. Điều đó cực kì vô nghĩa. Bạn không thể hạnh phúc chỉ bởi là người thứ nhất. Và trong cố gắng là người thứ nhất bạn trải qua khổ tới mức đến lúc bạn trở thành quen với khổ trước khi bạn là người thứ nhất.

Đến lúc bạn trở thành tổng thống hay thủ tướng của đất nước, bạn đã trải qua khổ nhiều tới mức bây giờ khổ là bản tính thứ hai của bạn. Căng thẳng đã trở thành thâm căn cố đế; lo âu đã trở thành cách sống của bạn. Bạn không biết cách nào khác; đây chính là phong cách sống của bạn. Cho nên cho dù bạn đã trở thành người thứ nhất, bạn vẫn còn thận trọng, lo âu, sợ sệt. Nó không thay đổi phẩm chất bên trong của bạn chút nào.

Nền giáo dục thực sự sẽ không dạy bạn là người thứ nhất. Nó sẽ bảo bạn tận hưởng bất kì cái gì bạn đang làm, không vì kết quả, mà vì bản thân hành động. Cũng giống như hoạ sĩ hay vũ công hay nhạc sĩ...

Bạn có thể vẽ theo hai cách. Bạn có thể vẽ để ganh đua với hoạ sĩ khác; bạn muốn là hoạ sĩ vĩ đại nhất trên thế giới, bạn muốn là một Picasso hay một Van Gogh. Thế thì tranh của bạn sẽ là loại hai, bởi vì tâm trí bạn không quan tâm tới bản thân việc vẽ; nó quan tâm tới việc là người thứ nhất, hoạ sĩ vĩ đại nhất trên thế giới. Bạn sẽ không đi sâu vào nghệ thuật vẽ. Bạn không tận hưởng nó, bạn chỉ dùng nó như bậc đá để bước lên. Bạn đang trong trò chơi bản ngã.

Nhưng nếu bạn quá bận tâm tới kết quả, kết quả tối thượng - rằng bạn phải trở nên nổi tiếng, rằng bạn phải đoạt giải thưởng Nobel, rằng bạn phải là hoạ sĩ thứ nhất trên thế giới, rằng bạn phải đánh bại mọi hoạ sĩ khác cho tới giờ - thế thì mối quan tâm của bạn không ở trong việc vẽ; việc vẽ là phụ. Và tất nhiên, với mối quan tâm phụ vào việc vẽ bạn không thể vẽ được cái gì độc đáo; nó sẽ tầm thường.

Bản ngã không thể đem được cái gì phi thường vào thế giới này; cái phi thường tới chỉ qua vô ngã. Và đấy là trường hợp xảy ra cho mọi người.

Với bất kỳ hình thức của cạnh tranh nào đều có bạo lực sâu ở bên dưới, và nó tạo ra những người không biết yêu thương. Toàn bộ nỗ lực là để trở thành người thành đạt - có tên tuổi, nổi tiếng, và tất cả các loại tham vọng. Rõ ràng là họ phải đấu tranh và giành giật cho chính họ. Điều đó phá hủy niềm vui và sự thân thiện của họ. Có vẻ như tất cả mọi người đều đang chiến đấu chống lại cả thế giới.

Chính vì vậy thế giới đã trở thành một nhà thương điên. Tình yêu không thể xảy ra. Làm sao tình yêu có thể xảy ra trong một thế giới bạo lực, tham vọng, cạnh tranh như vậy nơi mọi người ngồi trên cổ của nhau? “Nếu tôi không được giáo dục tốt, được bảo vệ tốt, có hiểu biết cao, tôi có thể không có khả năng sống sót trong sự vật lộn với cuộc sống.” Nó mang đến cuộc sống chỉ như một cuộc vật lộn.

Cái nhìn của tôi về giáo dục là cuộc sống không nên được xem như một cuộc vật lộn cho sự sống còn; cuộc sống nên được xem như một sự mở hội. Cuộc sống không nên chỉ là sự cạnh tranh, cuộc sống cũng nên là sự vui mừng. Ca hát và nhảy múa và thơ ca và âm nhạc và hội họa, và tất cả những thứ đó là sẵn có trong thế giới – giáo dục nên chuẩn bị cho bạn để rơi vào trong giai điệu với nó – với cây cối, với chim muông, với bầu trời, với mặt trời và mặt trăng.

Và giáo dục nên chuẩn bị cho bạn để là bản thân bạn. Ngay bây giờ nó chuẩn bị cho bạn để là một kẻ bắt chước; nó dạy ban làm thế nào để như những người khác. Đây là vô giáo dục. Giáo dục đúng sẽ dạy bạn làm sao để là bản thân bạn, đích thực bản thân bạn. Bạn là duy nhất. Không có ai như bạn, đã từng như vậy, sẽ không bao giờ như vậy. Đây là một sự tôn trọng vô cùng điều mà Thượng đế đã trao cho bạn. Đây là sự vinh dự của bạn, rằng bạn là duy nhất. Đừng trở thành kẻ bắt chước, đừng trở thành những bản sao giấy than.
Nhưng đó là điều mà cái được gọi là giáo dục của bạn cứ làm: nó làm ra những bản sao giấy than; nó phá hủy bộ mặt nguyên thủy của bạn. Từ “education-giáo dục” có hai nghĩa, cả hai đều đẹp.

Một nghĩa được biết rất rõ ràng, mặc dù không có kinh nghiệm chút nào, đó là: để kéo cái gì đó từ bạn ra. “Education-giáo dục” ngụ ý: để kéo ra ngoài cái mà ở bên trong bạn, để làm cho khả năng của bạn thành thực tế, như bạn kéo nước từ giếng lên.

Nhưng điều này không phải là đang không được kinh nghiệm. Mà ngược lại, nhiều thứ đang được rót vào bên trong bạn, không được kéo ra khỏi bạn. Địa lý và lịch sử và toán học, họ cứ rót chúng vào trong bạn. Bạn trở thành con vẹt. Bạn đã được xem như chiếc máy tính; chỉ như họ nạp dữ liệu vào máy tính, họ nạp vào bạn. Các cơ quan giáo dục của bạn là những nơi mà ở đó nhiều thứ được nhồi vào trong đầu bạn.

Giáo dục thực sẽ phải mang ra ngoài cái ẩn dấu bên trong bạn – cái mà Thượng đế đã đặt vào trong bạn như một kho báu – để khám phá nó, để biểu lộ nó, để làm cho bạn tỏa sáng.
Và một nghĩa khác của từ này, nó thậm chí sâu xa hơn: “education-giáo dục” đến từ từ “educare”; nó ngụ ý dẫn bạn từ bóng tối ra ánh sáng. Một nghĩa cực kỳ quan trọng: để dẫn dắt bạn từ bóng tối ra ánh sáng.


Giáo dục cho đến nay luôn hướng tới mục tiêu: những gì bạn đang học tập là không quan trọng, điều quan trọng là kỳ thi sẽ đến một năm hoặc hai năm sau đó. Nó làm cho tương lai trở nên quan trọng - quan trọng hơn hiện tại. Nó hy sinh hiện tại cho tương lai. Và điều đó trở thành phong cách sống của bạn, bạn luôn luôn hy sinh khoảnh khắc hịên tại cho một cái gì đó không có bây giờ. Nó tạo ra một sự trống rỗng khổng lồ trong cuộc sống.

Thứ Hai, 18 tháng 1, 2016

Chân Lý Là Mảnh Đất Không Có Lối Vào

“Không có tình yêu, cuộc đời là cái hồ cạn nước, cái hồ cạn thì chẳng bao lâu sẽ khô khốc dưới nắng mặt trời, chẳng còn lại gì ngoài bùn và rác.”  Nếu bạn không có tình yêu – dù làm bất kỳ  điều gì bạn muốn: theo sau tất cả những thần thánh trên quả đất, thực hiện tất cả những hoạt động xã hội, cố gắng cải thiện những người nghèo, tham gia chính trị, viết sách, làm thơ – bạn là một người chết rồi. Nếu không có tình yêu những vấn đề của bạn sẽ gia tăng, sinh sôi vô tận.Và với tình yêu, dù làm bất kỳ điều gì bạn muốn, không có nguy hiểm, không có xung đột. Lúc đó tình yêu là bản thể của đạo đức. (J. Krishnamurti)

Cuộc sống khiến mọi người đều đau khổ, những cô đơn, những bối rối, những lo âu, những thất bại, những chán nản, những thất vọng… Cuộc sống khiến mọi người đều đau khổ, những nghèo đói, những bệnh tật, những tai ương, những bạo lực, những chiến tranh… 

Sự tiến hoá về tâm lý của con người đã không bắt kịp sự tiến hoá về thể chất cũng như sự tiến bộ về khoa học kỹ thuật. Vì vậy, mỗi người cần phải nghiên cứu về đời sống nội tâm của chính mình. 

Ở trường học, chúng ta được thầy cô giáo giảng dạy rằng chúng ta cần phải vâng lời cha mẹ và thầy cô giáo. Chính điều này tạo ra ý thức và trí khôn. Nhưng hàng ngàn thế hệ qua con người vẫn gây ra đau khổ cho người khác. 

Chúng ta học hỏi nhiều điều của thế gian này, nhưng hiếm khi chúng ta được học cách đối mặt với những xáo trộn và tổn thương của cuộc đời. Nếu bạn chỉ đơn giản là cố trốn thoát khỏi những đau đớn nội tâm bằng cách lạm dụng ma túy, các chất gây nghiện, giải trí, tình dục, công việc, thì những đau đớn đó vẫn luôn tồn tại, cuối cùng bạn sẽ kiệt sức vì sa vào thói nghiện ngập. Hiểu được cái tôi của chính mình, hiểu được tiến trình của những sợ hãi, những khát vọng, và những tức giận - tâm hồn bạn sẽ tự giải thoát những nỗi thống khổ này... 

Thế giới này không khác gì bản thân chúng ta, thế giới này chính là bản thân chúng ta. Thế nên, một điều đơn giản là: nếu chúng ta thay đổi, mỗi người chúng ta thay đổi, thì chúng ta sẽ thay đổi được toàn thế giới. Thậm chí nếu chỉ một người trong chúng ta thay đổi thôi, thì đó cũng là một gợn sóng lăn tăn làm thay đổi thế giới. Điều tốt đẹp là một cái gì đó rất dễ lan tỏa.

Thứ Hai, 11 tháng 1, 2016

Chủ Nghĩa Hiện Sinh Một Chủ Nghĩa Nhân Bản

"Chỉ có một vấn đề triết học thực sự nghiêm túc và đó là tự sát. Phán xét liệu cuộc đời có đáng sống hay không cũng giống như trả lời câu hỏi cơ bản của triết học. Tất cả những điều còn lại - thế giới có ba chiều hay không, trí óc có chín hay mười hai hạng mục - đều đi sau đó. Đó là những trò chơi; người ta đầu tiên phải trả lời đã." - Albert Camus.


 Sở dĩ gọi là chủ nghĩa hiện sinh là vì chủ nghĩa này nhấn mạnh rằng đời sống nhân loại chỉ có thể hiểu được thông qua sự hiện sinh của cá nhân, tức là thông qua kinh nghiệm riêng biệt của anh ta về cuộc đời. Người ta sống, chứ không phải tồn tại, trong mỗi phút giây, và kinh nghiệm về cuộc sống của mỗi người luôn có tính chất độc đáo, khác biệt hoàn toàn với kinh nghiệm của mọi người, và chỉ có thể được hiểu đúng thông qua sự dấn thân của anh ta vào cuộc sống. 

Chủ nghĩa hiện sinh chối bỏ quan điểm về khuôn mẫu lý tưởng của Con Người viết hoa, hoặc của nhân loại, trong đó mỗi người chỉ là một hình ảnh của con người phổ quát. Nó cũng khước từ câu hỏi của triết học Hy-lạp “Nhân loại là gì?”, một câu hỏi hàm ý rằng con người có thể được định nghĩa, nếu như anh ta được đặt vào một vị trí thích hợp trong trật tự vạn vật; thay vào đó, nó hỏi cái câu hỏi của Job và thánh Augustine “Tôi là ai?” với sự gợi ý về tính độc đáo và kỳ bí của mỗi thân phận và sự nhấn mạnh đến chủ thể tính, tức nhân vị, hơn là đến khách thể tính, tức sự vật. 

Nhìn bên ngoài, con người chỉ là một sinh linh như mọi sinh linh khác; nhưng nhìn từ bên trong, anh ta là cả một vũ trụ, là trung tâm của cái vô cùng. Các nhà hiện sinh đề cao quan điểm chủ thể tính, và tất cả những đặc tính còn lại của chủ nghĩa hiện sinh đều phát triển từ quan điểm này.

Link ebook tổng hợp, định dạng pdf
http://www.mediafire.com/view/dsd0zczk8kfvc6g/Ch%E1%BB%A7_Ngh%C4%A9a_Hi%E1%BB%87n_Sinh.pdf

Thứ Bảy, 9 tháng 1, 2016

Những Con Chuột Facebook



Facebook - mạng xã hội thành công nhất từ trước tới nay. Trước Mark Zuckerberg đã có vô số mạng xã hội, và hầu hết đều chết nhanh chóng sau khi cạn kiệt ý tưởng mới, chỉ có Mark là người duy nhất xây dựng được đế chế của riêng mình chỉ duy nhất bằng nút Like. 
Thực ra, nói một cách chính xác thì Mark Zuckerberg không phải là nhà kinh doanh, mà anh chính là Triết Gia, người hiểu được rằng bản chất của đám đông ngoài kia dù có tô vẽ bằng cái gì đi chăng nữa, thì vẫn chỉ là những con chuột mù quáng như trong thí nghiệm kinh điển của các nhà sinh vật học - tóm tắt như sau: cho con chuột vào trong lồng, và để 2 phím bấm; nếu chuột bấm phím số 1 sẽ có dòng điện chạy qua làm cho chuột đau đớn, bấm phím số 2 sẽ có miếng phó mát nhỏ ngon lành rơi vào lồng. 
Thí nghiệm cho thấy chuột rất nhanh chóng học được cách sử dụng phím số 2 và tránh xa phím số 1. Thí nghiệm này còn có những phát triển mở rộng, chẳng hạn như để 2 con chuột trong 2 cái lồng cạnh nhau, nếu con này nhấn phím thì con kia được ăn; sau một thời gian, lũ chuột cũng học được cách bấm phím để cả hai cùng có lợi.
Mark đã cô đọng thí nghiệm này đến mức chỉ dùng duy nhất phím số 2, với đôi chút cải tiến, vẽ cho nó hình bàn tay màu xanh, và dán lên hệ thống của mình. Và thật kinh khủng, miếng phó mát ảo đó nhanh chóng thu hút được hàng tỷ con người-chuột lao vào điên cuồng bấm cho nhau thỏa mãn ngày đêm. 

Nút like của Mark chi phối cuộc sống lũ người-chuột đến mức có vô số con chỉ sống với mục đích duy nhất là làm sao để được like. Chúng ăn những thứ để được like, chúng đọc những thứ để được like, chúng đi những nơi để được like, chúng ngủ với những kẻ được like nhiều, chúng phơi toàn bộ cuộc đời ngớ ngẩn của chúng lên mạng chỉ vì những cái like xa lạ, và chúng nói đi nói lại những thứ nhảm nhí điên khùng và phi lý đến mức kinh tởm chỉ vì đám đông còn lại sẽ like chúng vì cái đó. Khoái lạc ảo do like mang lại đã làm chúng không thể rời khỏi máy tính dù chỉ một giây. Chúng facebooking từ trên bồn cầu WC cho đến bàn ăn, chúng facebooking ngay cả những lúc không thể tưởng tượng nổi, chẳng hạn như đang làm tình.
Tất cả các nhà tư bản lỗi lạc thật ra đều là các Triết Gia, họ đã thay đổi xã hội con người bằng các ý tưởng Triết học, và trói buộc đồng loại vào các cỗ máy kiếm tiền cho công ty họ. Từ Facebook, cho tới tàu chiến hơi nước hay đến internet, con người ngày càng tự nguyện rời bỏ sự tự do của mình, bán rẻ linh hồn mình để mưu cầu một chút khoái lạc rẻ rúng và phi nhân tính.